Năm 1945 Chiến_tranh_nhân_dân_giải_phóng_Nam_Tư

Bất cứ đơn vị Đức nào rút lui an toàn khỏi Nam Tư thì có thể xem là họ rất may mắn.
— Basil Davidson, [102]

Sự hình thành các tập đoàn quân Nam Tư

Vào cuối năm 1941, Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư mới chỉ có gần 100 đội du kích có quy mô từ trung đội đến tiểu đoàn với hơn 10.000 người. Chỉ sau hơn 3 năm kiên trì tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống Đức Quốc xã, phát xít Ý và các lực lượng Nam Tư thân phát xít, Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư đã trở thành một quân đội chính quy. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, Anh và một số đồng minh khác và bằng con đường lấy vũ khí của phát xít đánh lại phát xít, vào cuối năm 1944, quân đội này đã được trang bị khá hiện đại với đầy đủ các vũ khí hạng nặng, xe tăng, trọng pháo, máy bay và tàu xuồng chiến đấu. Riêng Liên Xô trong năm 1944 và 5 tháng đầu năm 1945 đã viện trợ không hoàn lại cho NOVJ 96.515 súng trường, 68.423 tiểu liên, 20.528 súng ngắn, 512 đại liên DShK, 3.364 súng cối, 3.797 súng chống tăng, 895 lựu pháo, 170 sơn pháo, 491 máy bay, 65 xe tăng, 1.329 máy liên lạc vô tuyến cùng một số lượng lớn đạn, lựu đạn và các trang thiết bị quân sự khác.[103]

Quy mô của Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư cũng phát triển lên đến hơn 50 sư đoàn, nhiều lữ đoàn và trung đoàn độc lập với quân số lên đến trên 500.000 người. Để quân đội này có thể tác chiến hiệp đồng binh chủng một cách thống nhất, chặt chẽ và độc lập mở các chiến dịch lớn trên những hướng chiến lược quan trọng của cuộc đấu tranh giải phóng Nam Tư và góp phần vào công cuộc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, từ cuối tháng 10 năm 1944 đến đầu năm 1945, Bộ Tổng tư lệnh tối cao NOVJ đã quyết định thành lập 4 tập đoàn quân Nam Tư gồm có:

  • Tập đoàn quân Nam Tư 1 thành lập ngày 30 tháng 12 năm 1944 tại mặt trận Srem (Bắc Nam Tư) do thượng tướng Nam Tư Peko Dapčević làm tư lệnh, Mijalko Todorović làm chính ủy, thiếu tướng Savo Drljević làm tham mưu trưởng. Trong biên chế có Quân đoàn Vô sản 1 (các sư đoàn Vô sản 1, 2, Lữ đoàn bộ binh 2 và Lữ đoàn kỵ binh 1); Quân đoàn Vô Sản 2 (gồm Sư đoàn Vô Sản 6, các sư đoàn Krajina 5 và 11); Quân đoàn Serbia (gồm các sư đoàn Serbia 21 và 22). Tổng quân số khoảng 60.000 người
  • Tập đoàn quân Nam Tư 2 thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1945 tại Beograd do thượng tướng Nam Tư Koča Popović làm tư lệnh, Blazo Lompar làm chính ủy, trung tướng Ljubo Vuckovic làm tham mưu trưởng. Trong biên chế có Quân đoàn bộ binh 1 (gồm Sư đoàn xung kích 3, Sư đoàn Herzegovina 29 và Sư đoàn Sandzak 37); Quân đoàn bộ binh 3 (gồm các sư đoàn Đông Bosnia 17 và 27, Sư đoàn Bosnia 38); Quân đoàn bộ binh 5 (gồm các sư đoàn Krajina 4 và 10, Sư đoàn Bosnia 39 và Sư đoàn Trung Bosnia 53); các đơn vị trực thuộc tập đoàn quân có các sư đoàn Bosnia 23 và 25, Sư đoàn Slovenia 28 và Sư đoàn Serbia 45. Tổng quân số khoảng 110.000 người.
  • Tập đoàn quân Nam Tư 3 thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1945 tại Beograd do thượng tướng Nam Tư Kosta Nagy làm tư lệnh, Branko Petricević làm chính ủy, thiếu tướng Vukasin Subotić làm tham mưu trưởng. Trong biên chế tập đoàn quân có Quân đoàn bộ binh 6 (gồm các sư đoàn Slovenia 12 và 40); Quân đoàn Zagreb 5 (gồm Sư đoàn Zagorski 32 và Sư đoàn Croatia 33); các đơn vị trực thuộc tập đoàn quân gồm các sư đoàn Vojvodina 16, 36 và 51. Tổng quân số khoảng 50.000 người.
  • Tập đoàn quân Nam Tư 4 thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1945 tại Beograd do trung tướng Nam Tư Peter Drapšin làm tư lệnh, Bosko Siljegović làm chính ủy, Pavel Jaksić làm tham mưu trưởng. Trong biên chế của tập đoàn quân có Quân đoàn bộ binh 7 (gồm các sư đoàn Slovenia 14 và 18, Sư đoàn Dalmatia 9); Quân đoàn bộ binh 9 gồm các sư đoàn Slovenia 30 và 31, các sư đoàn Dalmatia 19 và 20); Quân đoàn bộ binh 11 (gồm Sư đoàn bộ binh Ven biển Goransky 13, Sư đoàn Licka 35 và Sư đoàn du kích 43); Cụm tác chiến độc lập 4 (gồm Sư đoàn bộ binh 26 "Nikola Tesla", Sư đoàn bộ binh Krajina 11, Lữ đoàn xe tăng Nam Tư 1 và Lữ đoàn bộ binh độc lập 1). Tổng quân số khoảng 90.000 người, được trang bị 65 xe tăng T-34.

Ngoài ra, Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư còn có các đơn vị độc lập gồm:

  • Quân đoàn bộ binh độc lập 15 có các sư đoàn bộ binh Macedonia 41, 42 và 48
  • Quân đoàn bộ binh độc lập Serbia - Kosovo có các sư đoàn bộ binh Serbia 24, 46 và 47
  • Cụm quân độc lập Macedonia gồm các sư đoàn Macedonia 49, 50 và Sư đoàn Kosmetc 52.

Chiến dịch Mostar

Mặc dù chiếm được Knin nhưng thực ra, chiến dịch Knin mới chỉ hoàn thành một nửa mục tiêu ban đầu do Bộ Tổng tư lệnh tối cao NOVJ đề ra. Để tiêu diệt cánh quân Đức tại khu vực Sarajevo, NOVJ cần phải tiến hành thêm một chiến dịch đệm để tạo thế ở tây nam Srrajevo, đó là chiến dịch Mostar từ ngày 6 đến ngày 17 tháng 2 năm 1945. NOVJ vẫn giao cho Quân đoàn Dalmatia 8 với các sư đoàn Dalmatia 9, 19, 26 thực hiện chiến dịch này và tăng cường cho nó thêm Sư đoàn Herzegovina 29, Lữ đoàn pháo binh 8 lấy từ lực lượng dự bị của Tổng hành dinh NOVJ và Lữ đoàn xe tăng hạng nhẹ (3 tiểu đoàn) được điều từ Knin đến. Mặc dù chịu một số thiệt hại trong Chiến dịch Knin nhưng Quân đội NOVJ trên hướng này vẫn có được quân số 32.000 người, kể cả các đơn vị tăng cường. Đối đầu với Quân đoàn Dalmatia 8 (NOVJ) là 15.000 quân Đức và chư hầu thuộc Quân đoàn Sơn chiến 21 (Đức) đặt Sở chỉ huy tại Sarajevo gồm có: Sư đoàn Sơn chiến 389 (Đức), Sư đoàn Sơn chiến 9 (Ustaše), Trung đoàn bộ binh 359 thuộc Sư đoàn 181 (Đức), Trung đoàn pháo bờ biển 649 (Đức), Tiểu đoàn sơn pháo 909. Tiểu đoàn trinh sát 116 và tiểu đoàn Lê dương San Marko.[104]

7 giờ sáng ngày 6 tháng 2, Sư đoàn Dalmatia 26 nổ súng tấn công các cứ điểm vòng ngoài của quân Đức tại khu vực Široki Brijeg. Ngoài 5 tiểu đoàn pháo binh của Lữ đoàn pháo 8, NOVJ còn điều động phi đội máy bay ném bom của họ gồm 2 chiếc IL-2 và 2 chiếc Speedfire. Cuối ngày 6 tháng 2, hơn 3.000 quân Đức và quân Ustaše bị bao vây tại ngôi làng Lise. Trên hướng Ljubuški, các sư đoàn Dalmatia 9 và 19 gặp phải sức chống cự yếu hơn của Trung đoàn 359 và nhóm quân Lê dương San Marko nên đã giải pohosng thị trấn Ljubuški trong ngày 6 tháng 2. Tướng Ernst von Lajzer, tư lệnh Quân đoàn Sơn chiến 21 (Đức) buộc phải hy sinh 3.000 quân Đức và Ustaše tại làng Lise, rút chủ lực các sư đoàn Sơn chiến 389 (Đức) và 9 (Ustaše) về giữ Mostar.[104]

Ngày 7 tháng 2, Quân đoàn Dalmatia 8 tiếp tục tấn công. Hồi 15 giờ 30 phút cùng ngày, Sư đoàn Dalmatia 26 chiếm Široki Brijeg, một cứ điểm phòng ngự mạnh của quân Đức, loại khỏi vòng chiến đấu 379 quân Đức thuộc Tiểu đoàn 9 thuộc Sư đoàn Sơn chiến 389. Ngày 10 tháng 2, Bộ Chỉ huy NOVJ ở Bosnia - Herzegovina ra lệnh cho Quân đoàn Dalmatia 8 chuyển trọng điểm tấn công sang phía tây Mostar, đánh chiếm Nevesinje nhằm cắt đứt liên lạc giữa Saragevo và Mostar. Thực hiện mệnh lệnh này, tướng Petar Drapšin điều động Sư đoàn Herzegovina 29 và tăng cường cho sư đoàn này các Lữ đoàn Herzegovina 11 và 12 để tấn công từ Konjic lên Nevesinje. Đến ngày 13 tháng 2, Sư đoàn Herzegovina 29 vẫn dẫm chân trước tuyến phòng ngự của quân Đức phía nam Nevesinje. Tuy nhiên, từ hướng chính diện Mostar, các sư đoàn Dalmatia 9 và 19 đã tăng cường gây sức ép, buộc Sư đoàn Sơn chiến 389 Đứcphari phân tán lực lượng. Ngày 14 tháng 2, cả năm lữ đoàn (10, 11, 12, 13, 14) của Sư đoàn Herzegovina 29 đều đồng loạt tấn công phá vỡ hai tuyến phòng thủ của quân Đức tại các cứ điểm Bijeloga Polja và Jablanica, đánh chiếm Nevesinje. Quân NOVJ tiêu diệt và bắt sống 819 quân Đức, trong đó có 2 sĩ quan chỉ huy (các đại tá Wetzel và Wähmann), thu giữ 6 lựu pháo, 2 sơn pháo, 2 pháo chống tăng, 5 súng cối, 8 đại liên 21 trung liên, 354 súng trường, 5 xe con, 4 xe tải, 15 mô tô và 8 toa xe chở đầy đạn pháo.[105]

Bị cắt đứt liên lạc với Mostar, tướng Ernst von Lajzer không còn một biện pháp nào để cứu vạn cho cứ điểm quan trọng này. Từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 2, Quân đoàn Dalmatia 8 và Sư đoàn Herzegovina 29 tổng tấn công vào Mostar, nhanh chóng đè bẹp sức kháng cự của Trung đoàn 370, Tiểu đoàn xe bọc thép trinh sát 116 và những nhóm tàn binh còn lại của Trung đoàn 369 (Đức). 18 giờ ngày 17 tháng 2, Mostar được giải phóng. Cánh cửa vào Sarajevo từ hướng tây nam đã mở ra trước các đơn vị NOVJ.[106]

Chiến dịch Sarajevo - Zagreb

Một nhóm du kích Croatia, 1945

Các chiến dịch Knin và Mostar cùng với các đòn tấn công của liên quân NOVJ - Liên Xô trên hướng Beograd - Tuzla đã dồn ép những lực lượng còn lại của các cụm tập đoàn quân E và F (Đức) cùng các đơn vị quân Ustaše vào một hành lang nhỏ hẹp ở Trung Bosnia Herzegovina. Hành lang này bắt đấu từ Sarajevo kéo dài đến Bania Luka. Mặc dù quân Đức còn giữ được phần lớn lãnh thổ phía bắc Croatia nhưng binh lực của cả hai cụm tập đoàn quân E và F vẫn không đủ để giữ một chiến tuyến kéo dài dọc theo các con sông Sava, Bosni, vòng qua chỗ lồi Sarajevo, qua Bihac ra đến biển Adriatic. Tình thế mặt trận cho phép Bộ Tổng tư lệnh tối cao NOVJ và các cố vấn quân sự Liên Xô nghĩ đến một chiến dịch lớn để tiêu diệt cụm quân Đức - Ustaše tại "chỗ lồi" Sarajevo. Mùa xuân năm 1945, với 4 quân đoàn chủ lực được trang bị khá tốt, trong đó có 3 lữ đoàn, 11 trung đoàn pháo và 2 lữ đoàn xe tăng, quân đội NOVJ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.[107]

Quân đội NOVJ tham gia chiến dịch có Tập đoàn quân Nam Tư 1 (7 sư đoàn và 2 lữ đoàn bộ binh), Tập đoàn quân Nam Tư 2 (14 sư đoàn bộ binh) và Tập đoàn quân Nam Tư 4 (từ ngày 1 tháng 3 năm 1945). Tập đoàn quân Nam Tư 3 (7 sư đoàn bộ binh) sử dụng cánh trái phối hợp với Tập đoàn quân Nam Tư 1 tấn công lên Zagreb, sử dụng cánh phải phối hợp với Tập đoàn quân 57 (Liên Xô) và Tập đoàn quân Bulgaria 1 tiến hành các hoạt động tấn công vào Hungary. Thời điểm diễn ra chiến dịch cũng thuận lợi do Quân đội Liên Xô đã hoàn thành Chiến dịch Budapest, giải phóng thủ đô Hungary và ngay sau đó đã thực hiện thành công Chiến dịch phòng ngự hồ Balaton đánh bại Tập đoàn quân xe tăng 6 SS (Đức) mở đường tấn công vào Viên và biên giới phía nam nước Đức.[108]

Quân Đức và Ustaše tại Croatia và "chỗ lồi" Sarajevo còn lại Quân đoàn Sơn chiến 21 (chỉ còn lại các sư đoàn 181 và 369), các sư đoàn bộ binh độc lập 8, 9, 15 và Sư đoàn 7 SS "Prinz Eugen". Bộ Tổng tham mưu Đức đã điều động đến khu vực phía bắc Sarajevo Quân đoàn kỵ binh SS 15 Cossack do tướng SS Helmuth von Pannwitz chỉ huy gồm các sư đoàn kỵ binh Cossack 1 và 2. Quân Usteshi cũng chỉ còn lại 5 sư đoàn, trong đó có 2 sư đoàn chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Trên lãnh thổ Croatia, quân Đức còn một lực lượng đáng kể gồm các sư đoàn 11, 22, 41, 104, 117, 138, 237 (Đức) và Sư đoàn SS 14 Ukraina. Ở phía bắc Zagreb, quân Đức có Cụm tập đoàn quân Áo do tướng Lothar Rendulic chỉ huy nhưng cụm tập đoàn quân này bị chia sẻ làm ba hướng: hỗ trợ cho cụm Tập đoàn quân Nam của tướng Johannes Frießner giữ phần phía tây Hungary, trấn giữ phía tây nam Áo do quân đội Đồng Minh Anh, Mỹ đang gây sức ép nặng nề lên Cụm tập đoàn quân C để chuẩn bị cho cuộc Chiến dịch Bắc Ý. Chỉ 1/3 lực lượng này có thể hỗ trợ cho Cụm tập đoàn quân E (Đức) trong điều kiện các mặt trận còn lại đều yên tĩnh.[109]

Ngày 30 tháng 3 năm 1945, Tập đoàn quân Nam Tư 4 của tướng Petar Drapšin đã đánh bại Quân đoàn kỵ binh SS 15 Cossack, giải phóng Bihać. Ngày 20 tháng 4, Tập đoàn quân Nam Tư 4 tiếp tục giải phóng tỉnh Lika và toàn bộ vùng ven biển Croatia. Ngày 1 tháng 5, Tập đoàn quân Nam Tư 4 tiếp tục đánh bại Quân đoàn 97 (Đức), chiếm Rieka, Triest và tiến đến biên giới cũ giữa Nam Tư và Ý. Ở phía đông, Tập đoàn quân Nam Tư 2 dưới sự chỉ huy của tướng Koča Popović từ bàn đạp tại chỗ giao nhau giữa sông Sava và sông Bosny đã mở cuộc tấn công lên phía bắc. Ngày 5 tháng 4, Tập đoàn quân Nam Tư 2 giải phóng Doboj và tiến đến tuyến sông Una. Ngày 6 tháng 4, các Quân đoàn Vô Sản 2, 3 và 5 thuộc Cụm quân độc lập Montenegro đã đoạt lại Sarajevo từ tay Quân đoàn Sơn chiến 21 (Đức). Ngày 12 tháng 4, Tập đoàn quân Nam Tư 3 do tướng Košta Nađ chỉ huy đã phối hợp với Tập đoàn quân Bulgaria 1 vượt sông Drava, tiến công vào khu vực Podravina, hình thành cánh quân vây bọc Zagreb từ phía bắc. Ngày 21 tháng 4, Tập đoàn quân Nam Tư 3 tiến đến biên giới quốc gia Nam Tư - Áo tại khu vực Dravograd. Bên cánh phải của họ, Tập đoàn quân Bulgaria 1 cũng giải phòng Maribor.

Trước đó, ngày 12 tháng 4, Tập đoàn quân Nam Tư 1 do tướng Peko Dapčević chỉ huy đã đập tan các tuyến phòng thủ của Quân đoàn bộ binh 34 (Đức) trên khu vực Syrmia và dọc theo thung lũng sông Sava và bao vây Zagreb. Tàn quân Đức tại hành lang Sarajevo - Bania Luka rút lên phía bắc đã bị rơi vào một "cái túi tác chiến" miệng túi đã được khép lại tại Zagreb. Quân Đức mất hơn 36.000 sĩ quan và binh sĩ tử trận, hơn 40.000 thương binh nằm la liệt khắp thành phố Zagreb. Ngày 7 tháng 5, 6 sư đoàn của các Tập đoàn quân Nam Tư 1 và 3 giải phóng Zagreb. Tướng Alexander Löhr và Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân E (Đức) bỏ chạy lên phía bắc nhưng không thoát. Ngày 8 tháng 5, họ bị Quân Giải phóng Nam Tư bắt sống tại Ljubljana và bị đưa về Zagreb. Ngày 9 tháng 5, tại Zagreb, tướng Alexander Löhr ký vào biên bản đầu hàng không điều kiện của các cụm tập đoàn quân E và F (Đức) trước Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư. Trong khi đó, một cụm lớn quân Đức, quân Ustaše, quân Bảo vệ tổ quốc Slovenia và quân SS Cossack khoảng 30.000 người vẫn cố gắng chọc thủng trận tuyến của NOVJ để chạy sang đầu hàng quân Anh - Mỹ tại Ý và Áo.[110]

Trận Poljana: Giải phóng hoàn toàn Nam Tư

Bài chi tiết: Trận Poljana

Polijana là một ngôi làng nhỏ chỉ rộng hơn 2 km vuông nằm sát biên giới Nam Tư - Áo, trên lãnh thổ Slovenja. Sau khi quân Đức bại trận trong Chiến dịch Sarajevo - Zagreb, khoảng 30.000 tàn quân Đức, tàn quân Ustaše, tàn quân Bảo vệ tổ quốc Slovenia và tàn quân Chetniks đã chạy về đây và tiếp tục chống cự với hy vọng được người Anh tại Klagenfurt (Áo) che chở để không phải đầu hàng Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư và cũng là để trốn tránh khỏi các tội ác chiến tranh mà những quân đội thân phát xít này đã gây ra đối với các tộc người ở Nam Tư.

9 giờ sáng ngày 14 tháng 5, một cụm lớn gồm tàn quân Đức, Ustaše, quân Bảo vệ tổ quốc Slovenia và Chetniks đã chạm súng với một đơn vị du kích thuộc NOVJ khi đơn vị này ngăn cả nhóm tàn quân này vượt biên giới sang đất Áo. Cụm tàn quân này lập ức triển khai cuộc tấn công với sự yểm hộ của mấy khẩu pháo, hy vọng nhanh chóng đè bẹp đội du kích của NOVJ đang đóng tại Poljana để mở đường thoát thân. Tuy nhiên, chiều 14 thánng 5, ba sư đoàn thuộc Quân đoàn Vo Sản 2 của Tập đoàn quân Nam Tư 3 dưới sự chỉ huy của tướng Kosta Nađ có 20 xe tăng yểm hộ đã vây chặt làng Poljana. Cuộc chiến kéo dài sang ngày 15 tháng 5, gây thương vong cho 310 tàn quân Đức, Ustaše, quân Bảo vệ tổ quốc Slovenia và Chetniks cùng hơn 100 quân NOVJ. Sau cuộc thương lượng kéo dài, quân Anh đã không can thiệp. Họ yêu cầu cụm tàn quân này đầu hàng Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư với điều kiện được coi là tù binh chiến tranh. 16 giờ chiều 15 tháng 5, nhóm tàn quân kéo cờ trắng ra hàng.[111]

Mặc dù một thời gian sau đó, trên vùng biên giới Nam Tư - Ý, Nam Tư - Áo, Nam Tư - Hungary còn diễn ra một số trận đụng độ giữa quân NOVJ với các toán tàn quân Chính phủ cứu nguy dân tộc Serbia, quân Quốc gia Độc lập Croatia, quân Bảo vệ tổ quốc Slovenia và quân Chetniks đã trở thành các toán phỉ nhưng trận Poljana được coi là trận đánh lớn cuối cùng của Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_nhân_dân_giải_phóng_Nam_Tư http://www.bmlv.gv.at/omz/ausgaben/artikel.php?id=... http://www.novosarajevo.ba/stream/press/index.php?... http://www.radiosarajevo.ba/novost/68603/dan-repub... http://komunisti.50webs.com/centartito21.html http://macedonia-history.blogspot.com/2006/10/1941... http://www.feldgrau.com/stats.html http://books.google.com/books?id=R8d2409V9tEC&pg=P... http://books.google.com/books?id=da6acnbbEpAC&lpg=... http://www.imdb.com/title/tt0085713/ http://www.ingentaconnect.com/content/routledg/rmi...